Với sức mạnh trong phân tích dữ liệu, dự đoán và đưa ra các giải pháp tối ưu, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cải thiện hiệu suất làm việc, tối ưu hóa chi phí và nguồn lực, cung cấp những giải pháp cá nhân hóa cho quản lý khách hàng, quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một xu thế được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội hiện nay. Đặc biệt, AI nổi lên như một xu hướng then chốt trong hoạt động của doanh nghiệp. Bằng việc sở hữu sức mạnh trong phân tích dữ liệu, dự báo và đề xuất các giải pháp tối ưu, AI có khả năng nâng cao hiệu quả làm việc, tối ưu hóa chi phí và nguồn lực, đồng thời cung cấp các giải pháp cá nhân hóa cho quản lý khách hàng và quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
Elon Musk, một doanh nhân công nghệ nổi tiếng, người sáng lập, CEO của SpaceX, Tesla, Inc., cùng nhiều công ty công nghệ khác, từng phát biểu: “AI – trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện bất kỳ công việc nào mà con người làm – nhưng tốt hơn.”
Tầm quan trọng và hiệu quả vượt trội của việc ứng dụng AI trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là trong cách vận hành, kinh doanh và quản lý công việc, dưới góc nhìn của một tỷ phú hàng đầu thế giới, đồng thời là một nhà lãnh đạo sáng tạo bậc nhất trong danh sách Forbes 2019, thực sự khiến chúng ta không thể bỏ qua sức mạnh kỳ diệu của AI. Đồng thời đặt ra câu hỏi AI đã tham gia vào những lĩnh vực nào và xu hướng sử dụng nó trong vận hành doanh nghiệp hiện nay là gì?
Theo khảo sát năm 2022 của IBM, ghi nhận rằng:
- Tính đến thời điểm hiện tại, 35% công ty trên toàn cầu đã tích hợp AI vào quy trình làm việc để cải thiện trải nghiệm khách hàng.
- Tỷ lệ này tại Trung Quốc là 58%, trong khi 30% doanh nghiệp khác đang trong quá trình khám phá AI.
Xu hướng ứng dụng AI trên toàn cầu cũng cho thấy những số liệu đáng chú ý:
1. Ứng dụng của AI trên nhiều lĩnh vực
Tính ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo (AI) là hết sức rộng rãi, nó được triển khai trong rất nhiều các lĩnh vực kinh tế khác nhau, cũng như trong các lĩnh vực thuộc chuỗi vận hành của một doanh nghiệp hoặc tổ chức.
Theo Forbes, kết quả từ một cuộc khảo sát trực tuyến với 600 chủ doanh nghiệp tại Mỹ đang sử dụng AI hoặc có kế hoạch sử dụng AI trong vòng 6 tháng kể từ ngày thực hiện khảo sát cho thấy những ngành nghề dẫn đầu trong việc ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh bao gồm:
- Chăm sóc khách hàng (56%): AI được triển khai để tự động hóa các công việc dịch vụ khách hàng như trả lời câu hỏi, giải quyết khiếu nại và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
- An ninh mạng và quản trị gian lận (51%): AI được dùng để phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ an ninh mạng, cũng như xác định và ngăn chặn các hành vi gian lận.
- Trợ lý kỹ thuật số cá nhân (47%): AI được tận dụng để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cá nhân cho nhân viên và khách hàng, ví dụ như đặt lịch hẹn, lập kế hoạch và quản lý dự án.
Ngoài ra, ứng dụng của AI còn thấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:
- Quản trị quan hệ khách hàng (CRM)
- Quản lý hàng tồn kho
- Sản xuất nội dung
- Đề xuất sản phẩm
- Kế toán
- Vận hành chuỗi cung ứng
2. Xu hướng sử dụng AI trong mục đích nâng cao trải nghiệm của khách hàng
Thực tế đã chứng minh tầm ảnh hưởng lớn lao của AI trong ứng dụng vận hành doanh nghiệp. Đỉnh cao là đóng góp mà nó mang lại cho lĩnh vực Chăm sóc Khách hàng, được chứng minh bằng chính tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng AI trong lĩnh vực này.
Ứng dụng AI trong lĩnh vực Chăm sóc khách hàng vô cùng quan trọng, là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu suất kinh doanh. Nó đóng vai trò như kim chỉ nam cho tất cả các khâu của chuỗi cung ứng và vận hành kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm sản xuất, mua sắm, marketing, tài chính…
Mục tiêu của mọi doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận từ việc bán sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng. Để đạt được điều này, họ cần bán những gì “khách hàng cần” bằng cách đáp ứng tối ưu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Trí tuệ nhân loại là một năng lực không thể phủ nhận, song có những điều mà sức lao động hữu hạn của con người không thể đáp ứng hết. AI lại có thể làm được điều đó.
AI ra đời đã mở ra một kỷ nguyên phát triển bùng nổ cho lĩnh vực Chăm sóc khách hàng, nhờ vào những ứng dụng với hiệu suất vượt trội mà công nghệ AI mang lại. Chẳng hạn như chatbot, email trả lời tự động, dịch vụ cá nhân hóa, tin nhắn văn bản, cá nhân hóa quảng cáo dựa trên phân tích người dùng, cùng khả năng thu thập và phân tích dữ liệu không giới hạn. Điều này giúp doanh nghiệp có thể cung cấp cho khách hàng những lựa chọn đa dạng và phù hợp nhất với nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ mà họ mong muốn. AI không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhờ cắt giảm chi phí nhân lực, chi phí quản lý mà còn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời. Chỉ với một cú nhấp chuột hoặc một câu lệnh, mọi thông tin họ cần đều được cung cấp đầy đủ nhất. Điều này thực sự mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và khách hàng của họ.
Công nghệ AI được ứng dụng đơn giản và phổ biến nhất trong quy trình chăm sóc khách hàng là sử dụng hộp chat tự động, với các mẫu câu được định dạng sẵn để tự động phản hồi các thắc mắc và yêu cầu phổ biến của khách hàng (73% doanh nghiệp sử dụng). Tiếp theo là hòm thư tự động, một hình thức phổ biến khác được doanh nghiệp sử dụng để phản hồi và gửi thông báo đến đối tác và khách hàng.
AI có thể thay thế con người trong việc trò chuyện, gửi email… và ngay cả với những công việc yêu cầu cao như hỗ trợ khách hàng trực tiếp qua điện thoại, xu hướng sử dụng AI trong lĩnh vực CSKH cũng lên đến 36% và chắc chắn sẽ còn tăng trong thời gian tới.
3. Dự đoán xu hướng tăng trưởng của sản phẩm áp dụng công nghệ AI
Từ những lợi ích vượt trội của việc ứng dụng AI, các doanh nghiệp hiện nay coi việc ứng dụng AI không chỉ là một xu thế mà còn là yêu cầu bắt buộc để phát triển và bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ của thời đại kỷ nguyên số hóa.
Do đó, AI không chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm hay công nghệ “viễn tưởng” mà thực sự nằm trong chiến lược phát triển mang tính sống còn của các doanh nghiệp. Theo nghiên cứu từ Forbes, các công ty tiếp tục áp dụng AI trong hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng tăng cả về sự đa dạng lĩnh vực lẫn chất lượng và hiệu quả.
Theo các nhà nghiên cứu, việc ứng dụng AI trong các hoạt động kinh doanh sẽ mang lại cho doanh nghiệp tỷ lệ tăng trưởng kép đạt 37,3% từ năm 2023. Mức tăng trưởng kép do ứng dụng AI mang lại ước tính đạt 1,85 nghìn tỷ đô la Mỹ và dự kiến đóng góp 15,7 nghìn tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
4. Nhiều khu vực, lãnh thổ đẩy nhanh ứng dụng của AI trên nhiều lĩnh vực của họ
AI giống như một công nghệ “lõi”, nằm trong mục tiêu phát triển của các cường quốc kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Với sự phát triển của công nghệ số hiện nay, ứng dụng AI là bắt buộc để phát triển và đón đầu xu thế công nghệ mới.
Với những lợi ích từ ứng dụng AI vào sản xuất kinh doanh, có thể khẳng định những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển và sử dụng AI sẽ định hình tương lai và cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Mỹ và Trung Quốc đều đang khẳng định vị thế là hai cường quốc số một trên bản đồ phát triển công nghệ AI thế giới. Tuy nhiên, các thống kê của IBM dưới đây cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp ở các quốc gia trong việc khám phá và ứng dụng AI trong hoạt động vận hành và kinh doanh:
Nhận thức về trí tuệ nhân tạo (AI) của người dùng trên toàn cầu cũng rất đáng chú ý.
Theo khảo sát trên 10 nghìn người tại 13 quốc gia của Capgemini Research Institute (2023), kết quả cho thấy:
- 66% khách hàng sẵn sàng tìm kiếm lời khuyên từ AI cho các mối quan hệ cá nhân hoặc kế hoạch cuộc sống.
- 53% người dùng tin tưởng vào AI để hỗ trợ lập kế hoạch tài chính.
- 51% người dùng nhận thức, cập nhật và sẵn sàng khám phá các xu hướng mới nhất của công nghệ AI.
Xu hướng sử dụng AI theo quy mô doanh nghiệp có thể được sắp xếp như sau:
Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ dưới 100 người, AI được sử dụng như một công cụ để tiết kiệm chi phí và thời gian phát triển. Các công nghệ SaaS, APIs… sẵn có được các doanh nghiệp này tận dụng để tự động hóa các tác vụ đơn giản, lặp đi lặp lại nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động. Phổ biến nhất là sự hiện diện của công nghệ AI trong chatbot để chăm sóc khách hàng và tối ưu hóa quảng cáo…
Nhóm doanh nghiệp quy mô vừa từ 100-300 nhân sự bắt đầu xây dựng đội ngũ AI bằng cách thuê chuyên gia AI hoặc hợp tác với các công ty tư vấn công nghệ để phát triển các giải pháp tùy chỉnh. Mục đích trọng tâm của nhóm doanh nghiệp này là cải thiện quy trình kinh doanh, ra quyết định và trải nghiệm khách hàng. Các ứng dụng AI được sử dụng để kiểm tra chất lượng sản phẩm, dự đoán nhu cầu khách hàng và cá nhân hóa nội dung trang web…
Cuối cùng, nhóm doanh nghiệp lớn với số lượng nhân sự trên 300 người là nhóm tiên phong tạo ra những bước đột phá trong công nghệ AI. Họ có chiến lược xây dựng phòng ban AI chuyên dụng, thu hút và duy trì đội ngũ chuyên gia AI hàng đầu để phát triển các giải pháp tiên tiến. Tại các doanh nghiệp này, công nghệ AI được ứng dụng điển hình như trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI), robot tự động, chatbot thông minh giao tiếp đa ngôn ngữ và đa kênh…
Sự đa dạng của các giải pháp AI trên thị trường
AI hiện diện trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội với sự đa dạng các loại ứng dụng AI ra đời, phục vụ nhu cầu từ cá nhân đến doanh nghiệp, từ tư nhân đến chính phủ. Có thể kể ra hàng loạt các giải pháp AI phổ biến hiện nay: chatbot và hệ thống tương tác khách hàng, phiên dịch ngôn ngữ tự động, tạo nội dung giáo dục tùy chỉnh, hệ thống nhận diện giọng nói, học sâu (Deep learning) trong tương tác người máy, dự đoán và phân tích dữ liệu, nhận diện hình ảnh và video…
5. Dự đoán và đánh giá ứng dụng của AI trong tương lai gần
Với hiệu quả mang lại, việc ứng dụng AI trong doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Phần cứng phát triển vượt bậc, các thế hệ Chip GPGPU với hiệu năng mạnh mẽ ra đời, chi phí của các hệ thống AI sẽ ngày càng được tối ưu hóa. Nhờ đó, công cụ AI sẽ trở nên dễ sử dụng hơn, cho phép nhiều doanh nghiệp áp dụng AI vào hoạt động kinh doanh của họ. Các hệ thống AI sẽ được liên tục cải tiến để trở nên thông minh hơn, có khả năng tự học hỏi, thích ứng với môi trường mới và đưa ra các quyết định phức tạp hơn. AI sẽ ngày càng len lỏi vào các hệ thống kinh doanh hiện có, tích hợp vào các hệ thống ERP, CRM và SCM, giúp doanh nghiệp tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình kinh doanh của họ. AI cũng sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích ứng dụng mới, chẳng hạn như phát triển sản phẩm mới, khám phá khoa học và y tế, và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Tại thời điểm đó, trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như từng cá nhân là nhận thức sự thay đổi của công nghệ và thời đại, từ đó thay đổi cách nhìn nhận và hành động để tự thích nghi. Trong thời đại AI, vai trò của con người sẽ thay đổi, chúng ta sẽ tập trung hơn vào các công việc sáng tạo và chiến lược. AI sẽ giải phóng con người khỏi các công việc thủ công và lặp đi lặp lại, cho phép họ tập trung vào các công việc đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Một trong những kỹ năng “bắt buộc” mới trong thời đại này là sử dụng AI hiệu quả, ví dụ phổ biến nhất là đưa ra prompt sao cho hiệu quả. Việc ứng dụng AI rộng rãi sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của doanh nghiệp và các cá nhân cũng cần thích nghi với các thay đổi này để thành công.
6. Lời khuyên dành cho doanh nghiệp
Nhằm giúp việc ứng dụng AI vào doanh nghiệp mang lại hiệu quả tốt nhất, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn. Dưới đây là một số gợi ý và kim chỉ nam khi đưa ra quyết định ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh.
Xác định mục tiêu rõ ràng: Trước khi bắt đầu, hãy xác định rõ mục đích và những điều cần đạt được thông qua việc ứng dụng AI. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không bị đi sai hướng hoặc lãng phí quá nhiều nguồn lực. Phát triển một chiến lược AI: Vì AI là xu thế của hiện tại và tương lai, một chiến lược AI dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng và liên tục tận dụng được những lợi thế tốt nhất của công nghệ. Bắt đầu từ những bước nhỏ: Các ứng dụng AI sẽ mang lại sự thay đổi lớn trong cách vận hành, do đó, cần thực hiện cẩn thận, chính xác và từ từ để có thể điều chỉnh cũng như cần thời gian thích nghi cho nhân viên doanh nghiệp. Đầu tư vào dữ liệu: Dữ liệu là yếu tố quyết định sự hiệu quả của AI. Chất lượng dữ liệu càng cao, AI sẽ càng đưa ra những kết quả chính xác. Thu hút nhân tài: Kỹ năng sử dụng AI sẽ trở thành một kỹ năng “hot”. Doanh nghiệp cần chú trọng đến các nhân sự có kỹ năng về AI, bao gồm cả công việc tuyển dụng, đào tạo và đưa ra các ưu đãi. Đảm bảo an ninh và đạo đức: Nếu được sử dụng sai mục đích, một công nghệ thông minh có thể tạo ra nhiều nguy cơ và rủi ro. Doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác và có biện pháp đảm bảo các hệ thống AI được sử dụng một cách an toàn và đạo đức.
7. Lời kết:
Các ứng dụng AI trên toàn cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với đó, ngày càng có nhiều người dùng nhận thức, ưa chuộng và sẵn sàng khám phá, trải nghiệm AI. Điều này đã tạo ra một thị trường đa dạng các giải pháp về AI, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sử dụng và phát triển nhiều ứng dụng AI mới hơn nữa. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh và doanh nghiệp đang là một xu hướng phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để ứng dụng AI thành công, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chiến lược, nguồn lực và con người. Bên cạnh đó, việc đảm bảo đạo đức và tính minh bạch trong ứng dụng AI cũng là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm.